Bất cứ ngành nghề nào cũng yêu cầu những điều kiện nhất định để đáp ứng được công việc. Nghề phiên dịch tiếng Nhật cũng không phải một ngoại lệ. Bạn sẽ không thể trở thành một phiên dịch viên tiếng Nhật mà không cần trang bị cho bản thân những hành trang mà Beetech Academy liệt kê dưới đây. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Nghề phiên dịch tiếng Nhật là gì?
Nghề phiên dịch tiếng Nhật là nghề của những người trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ chuyển đổi ngôn ngữ (dịch nói) từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và ngược lại trong các cuộc hội thảo, hội nghị, buổi gặp mặt,... mà vẫn giữ nguyên nội dung. Họ có thể làm phiên dịch viên nội bộ tại một tổ chức, doanh nghiệp bất kỳ. Hoặc họ có thể lựa chọn làm phiên dịch theo từng dự án cho các công ty.
2. Điều kiện cần để đáp ứng công việc của nghề phiên dịch tiếng Nhật
2.1 Năng lực tiếng Nhật và năng lực tiếng mẹ đẻ
Để có thể biên phiên dịch được thì cần phải có hiểu biết tường tận về ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Nghề phiên dịch tiếng Nhật thì đương nhiên người phiên dịch viên phải có năng lực tiếng Nhật. Nhưng có lẽ câu hỏi mà nhiều người đặt ra sẽ là “Cụ thể cần phải có năng lực tiếng Nhật ở mức độ nào ?”. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần phải xác định được rạch ròi loại hình phiên dịch, tính chất phiên dịch, lĩnh vực phiên dịch mà bản thân hướng tới.
Ví dụ yêu cầu về mức độ tiếng Nhật để sử dụng trong một buổi phiên dịch cho du khách người Nhật tới tham quan một thắng cảnh tại Hà Nội, sẽ khác với yêu cầu về mức độ tiếng Nhật sử dụng trong một buổi dịch hội thảo trao đổi về xu hướng phát triển của nền kinh tế chẳng hạn. Điều đó thể hiện rằng, chúng ta cần phải tìm hiểu và xác định được mức độ phức tạp mà lĩnh vực, loại hình phiên dịch chúng ta đang theo đuổi. Từ đó chuẩn bị nền tảng tiếng Nhật của bản thân sao cho phù hợp. Mức độ khó cao tương ứng với khả năng tiếng Nhật cũng phải đủ cao để có thể đáp ứng được. Nếu lấy đơn vị năng lực tiếng Nhật trong kỳ thi JLPT để làm thước đo, thì ở mức độ N4, N5 đa phần các bạn sẽ chưa đủ khả năng để phiên dịch, ở mức độ này chúng ta sẽ thường chỉ đáp ứng được khả năng trao đổi, giao tiếp, lý giải cho riêng bản thân mình thôi, vì vốn kiến thức của chúng ta chưa đủ để có thể diễn giải lại cho người khác hiểu. Bắt đầu từ mức độ N3 trở lên chúng ta có thể cân nhắc tới việc bước chân vào ngành phiên dịch. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là thước đo để chúng ta áp dụng trong mọi hoàn cảnh, trường hợp, mà chỉ là thước đo tương đối để tham khảo.
>>>>> Xem thêm:
- Những tố chất cần có của một IT comtor- biên phiên dịch viên tiếng Nhật
- Những yêu cầu cần có để trở thành IT comtor tiếng Nhật
2. 2 Kiến thức chuyên ngành biên phiên dịch
Bên cạnh năng lực tiếng Nhật thì kiến thức về chuyên ngành biên phiên dịch cũng là một công cụ không thể thiếu đối với phiên dịch viên tiếng Nhật. Biết nói tiếng Nhật, hiểu tiếng Nhật không có nghĩa là sẽ phiên dịch được tiếng Nhật. Khi bạn có năng lực tiếng Nhật, nghĩa là bạn có thể lý giải cho riêng bản thân mình, còn khi bạn có năng lực biên phiên dịch nghĩa là bạn có thể lý giải cho người khác hiểu. Hai phạm trù này có nhiều điểm khác nhau và yêu cầu kỹ năng cũng khác. Đối với kỹ năng biên phiên dịch, ngoài năng lực lý giải ngôn ngữ (ngoại ngữ) ra, bạn còn cần phải có kỹ năng phân tích cấu trúc, liên kết câu ở mức độ cao, khả năng trình bày diễn giải thông tin một cách chính xác, xúc tích, dễ hiểu, không những thế bạn còn cần phải có khả năng ứng biến nhanh nhạy, linh hoạt, khả năng tập trung cao độ.
2.3 Vốn kiến thức trong lĩnh vực cụ thể
Ở bên trên chúng ta đã đề cập tới kiến thức chuyên ngành biên phiên dịch, tuy nhiên để những kiến thức này thực sự trở nên hữu hiệu thì các biên phiên dịch viên còn cần chuẩn bị đầy đủ các vốn kiến thức, từ vựng của riêng từng lĩnh vực dịch mà họ tham gia. Bởi vì mỗi lĩnh vực lại có rất nhiều các khái niệm và từ vựng chuyên ngành khác nhau. Một phiên dịch viên trong lĩnh vực kinh tế lại gặp những từ vựng khái niệm khác với phiên dịch viên trong ngành Công nghệ thông tin. Biên phiên dịch viên phải luôn luôn bổ sung và cập nhật vào từ điển của mình những kiến thức, khái niệm, từ vựng mới trong lĩnh vực mà bản thân đang hoạt động. Nếu không họ sẽ bị tụt lại phía sau, hoặc thậm chí sẽ không thể tiếp tục đáp ứng được yêu cầu của ngành này nữa.
3. Điều kiện đủ để đáp ứng công việc của nghề phiên dịch tiếng Nhật
3.1 Tố chất biên phiên dịch viên
Để có thể trở thành một biên phiên dịch viên thì chúng ta cần phải có năng lực tiếng Nhật, kiến thức chuyên ngành biên phiên dịch, cũng như kiến thức, từ vựng của các lĩnh vực mà chúng ta dịch. Tuy nhiên, để có thể trở thành một biên phiên dịch viên giỏi, thuộc bộ phận nhỏ những cá nhân xuất sắc của ngành này, thì chúng ta cũng cần phải có tố chất tốt nữa. Những biên phiên dịch viên xuất sắc thường là những người có năng khiếu về khả năng ngôn ngữ. Những cá nhân này thường có kỹ năng nghe cực kỳ thành thạo, có kỹ năng cảm quan, tư duy tốt, họ chú trọng tới yếu tố văn hóa khi phiên dịch, họ chịu được áp lực và biết cách kiểm soát bản thân khi gặp những trường hợp khó nghe, khó phiên dịch. Đương nhiên bản thân họ cũng vẫn phải cố gắng nỗ lực rèn luyện rất nhiều, cộng thêm năng khiếu về ngôn ngữ sẵn có, chứ không phải là không cần rèn luyện mà vẫn có thể trở thành biên phiên dịch viên xuất sắc.
3.2 Kỹ năng mềm và kinh nghiệm
Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng, giống bất cứ ngành nghề nào, nghề biên phiên dịch cũng cần có những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử. Người dịch phải trung thành với nội dung nguyên bản, không thể hiện thái độ, quan điểm cá nhân vào lời dịch. Người biên phiên dịch cũng nên thường xuyên nhận định, đánh giá năng lực của bản thân, luôn cân nhắc, xem xét kỹ nội dung trước khi đảm nhận công việc dịch, tuy nhiên cũng không nên có tâm lý tự ti, không dám thử sức trong những lĩnh vực mới. Chỉ có vậy thì mới có thể tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân, đối với biên phiên dịch viên kinh nghiệm chính là một yếu tố quan trọng để nâng cấp được trình độ.
4. Kết luận
Việc xác định rõ những điều kiện cần và đủ của nghề biên phiên dịch tiếng Nhật chính là bước đi cực kỳ quan trọng cho lộ trình học tập và làm việc của mỗi người trong tương lai. Hy vọng bài viết trên đây của Beetech Academy đã giúp bạn nắm rõ điều này. Chúc các bạn thành công!
Beetech Academy - Học Viện Công Nghệ Phần Mềm Beetech Academy do Công ty Beetechsoft thành lập là một trong những Học viện đi đầu trong đào tạo ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam. Cùng với trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại, học viên sẽ được học tập trong môi trường năng động, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Beetech Academy đặc biệt chú trọng giảng dạy theo hình thức liên kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn ngay trong quá trình đào tạo, giúp học viên không chỉ được nâng cao kỹ năng chuyên môn, phát triển ứng dụng công nghệ phần mềm, mà còn được tích lũy những kỹ năng xây dựng và quản lý dự án theo quy trình chuẩn quốc tế. Liên hệ Beetech Academy để được tư vấn chi tiết ngay hôm nay! Hà Nội: Tầng 4, Tòa nhà H10, Số 2 Ngõ 475 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội Hồ Chí Minh: Lầu 2 - số 25/7 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Bến Nghé, Q.1 Đà Nẵng: 233 Đống Đa, phường Thạch Thang, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng Hotline: (+84) 339 574 888 | Email: academy@beetechsoft.com |