1. Độ tuổi nên cho trẻ sử dụng Internet
Độ tuổi từ 10 tuổi trở lên là độ tuổi phù hợp để sử dụng Internet và tốt hơn khi cha mẹ đồng hành hướng dẫn con dùng internet an toàn, hiệu quả.
- Trong thời đại công nghệ số 4.0, trẻ em sẽ tiếp xúc với internet từ rất sớm và theo nhiều nguồn khác nhau. Ở một vài trường học, thầy cô đã kết hợp việc học trên internet và việc học thực tế
- Internet có rất nhiều kiến thức bổ ích giúp trẻ học tập phát triển bản thân tích cực, hiệu quả thay vì nguồn tài liệu giới hạn trong thư viện, sách khó tiếp cận hơn
- Tiếp nhận tin tức nhanh hơn thông qua báo, tin tức Online, tiếp nhận kiến thức, quan điểm đa chiều
- Ba mẹ cũng không thể cấm con dùng internet với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay. Thay vì cấm thì nên đồng hành hướng dẫn con dùng internet tốt và an toàn
- Dùng internet xử lý các vấn đề trong cuộc sống hiệu quả hơn như lập kế hoạch cho 1 sự kiện, tổ chức chuyến đi, tìm địa điểm, đóng góp trồng cây, từ thiện…
- Học tập Online
- …
Có rất nhiều lợi ích, nhưng ba mẹ cần đồng hành với trẻ thay vì để con tự mình “lang thang” trên internet. Ba mẹ thực sự cần tôn trọng và công nhận rằng trẻ em có quyền tiếp cận và sử dụng Internet.
2. Những quy tắc ba mẹ nên chia sẻ với con về cách dùng Internet
Trẻ con học tập rất nhanh. Bạn không thể để kiến thức về Internet và ứng dụng thông minh thua kém con cái. Bạn phải hiểu con đang làm gì, mối quan tâm hiện tại của con là gì. Không gò bó và ép buộc con nhưng phải hiểu rõ để giúp con kịp thời tốt hơn trong thế giới ảo.
Tuân thủ các quy tắc trước khi cho con sử dụng Internet
- Cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi chia sẻ, dù là thông tin của mình hay thông tin của người khác. Nếu con không muốn người khác làm điều gì đó với mình thì cũng đừng làm điều đó với người khác.
- Hãy để trẻ biết các quy tắc áp dụng trong cuộc sống thực cũng áp dụng trên mạng.
- Bắt đầu nói chuyện kỹ với con về các thông tin sai lệch trên mạng để con bắt đầu biết phân biệt đúng sai, không nên tin vào tất cả mọi thứ và có tư duy logic trên Internet.
- Trẻ em khoảng 15 tuổi trở lên đã có thể “giỏi công nghệ” hơn cha mẹ. Việc cha mẹ cố gắng kiểm soát bắt đầu không có tác dụng, thậm chí còn phản tác dụng. Cha mẹ nên thẳng thắn nói chuyện với con về các rủi ro trên Internet, đặc biệt là về việc bảo vệ các thông tin cá nhân, kết bạn trên Internet, không trao đổi ảnh “nhạy cảm” tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục, không tham gia bắt nạt bạn bè trên mạng, v.v.
- Thiết lập một số nội quy cơ bản giữa cha mẹ và con cái để đảm bảo sự độc lập, riêng tư được tôn trọng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Khuyến khích con sử dụng các công cụ lọc chế độ công khai hay riêng tư, dùng công cụ lựa chọn hay chặn nếu cần thiết, sẵn sàng rời đi và dừng truy cập/kết nối nếu thấy khó chịu, suy nghĩ trước khi chia sẻ.
- Nếu con bạn bắt đầu lập tài khoản mạng xã hội, bạn hãy dành thời gian hướng dẫn và cùng con khám phá mạng xã hội, và thuyết phục con kết bạn cùng bạn.
- Cho trẻ biết bạn luôn sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ trẻ và hỗ trợ trẻ khi cần thiết, không phải kiểm soát hay chỉ trích. Nếu trẻ gặp khó khăn, trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô, từ các cơ quan chức năng …
3. Nhưng phải đảm bảo sức khoẻ cho trẻ
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ chỉ được ngồi trước màn hình 1-2 giờ mỗi ngày. Hơn 2 tiếng mỗi ngày làm tăng nguy cơ tẻ gặp các vấn đề tâm lý. Các vấn đề sức khỏe khác trẻ gặp phải là cận thị, mệt mỏi, stress…
Để kiểm soát giờ sử dụng máy tính của con, bạn nên đặt máy ở phòng khách hoặc phòng là việc chung. Nếu đặt tại phòng làm việc riêng thì cần cài phần mềm giúp nắm được thời gian và lịch sử truy cập mạng của con. Với trẻ Tiểu học, cha mẹ luôn bên cạnh để giám sát và hỗ trợ con, đừng để con mình “lang thang” một mình trong thế giới ảo.
Con phải vận động thể chất, chơi thể thao hoặc các trò chơi ngoài trời hàng ngày, thay vì chỉ biết dán mắt vào màn hình vi tính. Mẹ cũng phải quan tâm đến thời gian ăn ngủ, sinh hoạt của trẻ, tránh để trẻ vì quá mải mê mà quên mất thói quen sinh hoạt điều độ.
Lợi ích của Internet rất lớn nên nó rất dễ “gây nghiện”. Cha mẹ nên thường xuyên quan sát để tránh cho con sa đà vào mạng Internet và thế giới ảo. Muốn làm được điều đó, bản thân bạn cũng phải khống chế được thời gian truy cập mạng xã hội của chính mình, cùng con cân bằng cuộc sống bằng cách tham gia các hoạt động thực tế, tuân thủ lịch sinh hoạt điều độ.